


Trong buổi hội nghị, các thầy cô giáo được nghe 3 bản tham luận : về những biện pháp để nâng cao chất lượng và duy trì sĩ số học sinh, những phương pháp để nâng cao chất lượng trong phong trào giải Toán trên Internet, đặc biệt là đề ra án hoạt động của nhóm Tâm lý học đường nhà trường.
* Bài Tham luận : " MỘT SỐ BIỆN PHÁP TỔ CHỨC “ CUỘC THI GIẢI TOÁN” “ THI VIOLYMPIC TIẾNG ANH”.
I/ Đặc điểm tình hình:
Ưu điểm :
- Được sự quan tâm, tạo điều kiện của ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo nhóm Toán, Tiếng anh, Tin học.
- Nhà trường được trang bị 2 phòng máy có nối mạng Internet.
- Giáo viên phụ trách nhiệt tình và nghiêm túc thực hiện kế hoạch đề ra.
- Học sinh biết và sử dụng được tin học.
Khó khăn :
- Chất lượng học sinh giải chưa đồng bộ.
- Thời gian dành cho quá trình tự luyện violympic của học sinh còn hạn chế.
- Còn nhiều học sinh chưa thấy được lợi ích của môn học trực tuyến này.
- Đường truyền mạng đôi lúc còn nghẽn, chậm làm ảnh hưởng đến quá trình tự luyện của học sinh.
II/ Kế hoạch và biện pháp
- Phổ biến cho rộng rãi cho học sinh tham gia dưới nhiều hình thức :
Tổ chức tại trường : mỗi khối lớp chọn 1 nhóm học sinh giỏi, tổ chức 2 tiết /tuần .
Ngoài ra vận động học sinh giải ở nhà là chính ( đối với gia đình có điều kiện ).
- Các buổi học sinh tự luyện tại trường có giáo viên phụ trách và có sự hỗ trợ của giáo viên tin học.
1/ Đối với giáo viên phụ trách:
- Thực hiện đúng lịch phân công của chuyên môn.
- GV phụ trách hướng dẫn học sinh đăng ký thành viên, đăng nhập tài khoản để sửa đổi thông tin cho phù hợp với khối lớp mới theo chỉ đạo của Sở.
- GV phụ trách tham khảo tài liệu để hướng dẫn giúp đỡ học sinh tham gia có hiệu quả. Vận động học sinh mua sách tự luyện violympic hoặc photo sách có ở thư viện
- Nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch đã đề ra
- Đảm bảo mỗi khối lớp phụ trách đều có thành viên tham gia giải các vòng thi cấp trường,
Sau vòng thi cấp trường, Tổ toán và Tổ Tiếng Anh có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng những học sinh đã đạt ở vòng cấp trường tham gia dự thi cấp huyện.
- Giáo viên bộ môn có trách nhiệm theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời đối với học sinh lớp mình (nếu không tham gia).
- Giáo viên bộ môn động viên và khuyến khích học sinh lớp mình nếu tham gia tốt.
- Giáo viên có trách nhiệm báo cáo với tổ trưởng hàng tuần, hàng tháng.
- Giáo viên dạy bồi dưỡng Toán, Anh ở các khối lớp 6, 7,8 nghiên cứu đưa nội dung, những câu hỏi, bài toán (bài tiếng Anh) hay, khó của các vòng thi vào trong bài bồi dưỡng của mình.
- Giáo viên dạy bồi dưỡng bộ môn phải có trách nhiệm đối với những học sinh giỏi tham gia giải Toán - Tiếng Anh) này.
- Rà soát trong danh sách học sinh tham gia giải Toán – Tiếng Anh, những học sinh có điểm số các vòng cao nếu chưa có trong danh sách bồi dưỡng bộ môn Toán - Ngữ văn- Tiếng Anh ở các khối lớp 6, 7,8 thì giáo viên dạy bồi dưỡng đề xuất với chuyên môn cấp đưa các em này vào trong danh sách bồi dưỡng bộ môn.
2/ Đối với học sinh :
- Tham gia đầy đủ các buổi giải Toán, Tiếng Anh theo lịch, xem đây là một nhiệm vụ học tập.
- Tất cả các học sinh trong nhóm bồi dưỡng Toán, Tiếng Anh 6, 7, 8 đều phải tham gia tại trường. Đối với khối 9 : học sinh tham gia bồi dưỡng Toán, Lý, Hóa, Tin học, Máy tính Casio tham gia giải toán, học sinh tham gia bồi dưỡng Văn, Tiếng Anh, Sinh tham gia giải Tiếng Anh.
- Nếu có vướng mắc trong khi giải phải trực tiếp tham khảo ý kiến của giáo viên phụ trách, giáo viên dạy bồi dưỡng bộ môn.
- Có nhiệm vụ phấn đấu giải đầy đủ các vòng cho đến kỳ thi cấp trường và cấp Huyện.
- Học sinh tìm tài liệu tham khảo các đề và tự giải.
- Học sinh nên mua sách tự luyện violympic hoặc photo sách có ở thư viện.
Trên đây là tham luận một số biện pháp tổ chức cuộc thi giải Toán, thi violympic Tiếng Anh để có học sinh giỏi Huyện, Tỉnh.

* Bài Tham luận : " DUY TRÌ SĨ SỐ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỌC TẬP".
Để đảm bảo DTSS, ngay từ đầu năm học, trong buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm tôi đã thông báo đến phụ huynh về yêu cầu của nhà trường về việc đảm bảo sĩ số, cũng như nhu cầu xã hội về việc nâng cao dân trí trong nhân dân , xóa nạn mù chữ, đồng thời trong cuộc họp tôi cũng mong muốn phụ huynh cam kết không cho con bỏ học nữa chừng dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào và tôi lấy biểu quyết thực hiện được chỉ tiêu này xem như phụ huynh giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Về phía học sinh, tôi cũng nhắc nhở các em cố gắng học hành đến nơi đến chốn, phân tích cho các em thấy sự khổ cực khi phải ở nhà làm những công việc nặng nhọc ở tuổi còn được sự quan tâm của cha mẹ và xã hội.
Tuy nhiên, việc cam kết không phải là một lời hứa chắc chắn đối với phụ huynh và học sinh. Đôi khi có những trắc trở trong cuộc sống xảy ra với các em, các em không thể vượt qua nổi, sinh ra chán nản, học yếu và dẫn đến nghỉ học. Trong những trường hợp này tôi vận động học sinh trong lớp đến nhà thăm hỏi, vận động các em trở lại lớp. Mặc khác tôi nhờ sự hỗ trợ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cả lớp, GVCN cùng đóng góp chia sẻ sự khó khăn với các em. Chúng tôi đến nhà các em nhiều lần, để các em nhận thấy thiện ý của giáo viên và cả lớp. Ở lứa tuổi này, các em đang tuổi đi học, việc quyết định nghỉ học không phải dễ dàng, các em còn rất phân vân. Nên sự tác động của giáo viên chủ nhiệm và của tập thể kịp thời, với những việc làm hữu ích dần các em cũng hiểu ra và các em vui vẻ trở lại trường.
Còn để nâng cao chất lượng học tập, cũng trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, tôi yêu cầu phụ huynh quan tâm kiểm tra vở sách các em thường xuyên . Tôi sử dụng 15’ đầu giờ hiệu quả. Tôi yêu cầu mỗi em tự ôn lại bài của mình, hoặc học những bài chưa kịp học thuộc ở nhà. Cán sự bộ môn thì sửa những bài tập khó. Phân chia cụ thể một hoặc hai học sinh khá giỏi kèm cặp giúp đỡ học sinh yếu kém, trung bình. Đến giờ truy bài kiểm tra bài bạn mình. Chỗ nào bạn quên thì em khá giỏi nhắc nhở để các em yếu nhớ lại. Đôi khi tôi gọi một hai em khá giỏi lên kiểm tra , yêu cầu cả lớp lắng nghe và nhắc lại 2, 3 lần cho thuộc. Ngoài ra những em cán bộ lớp đã thuộc rồi thì xem bài mới để phát biểu xây dựng bài.
Thường thì trong giờ truy bài tôi không để các em kiểm tra việc soạn bài ở nhà, vì làm như thế mất thời gian ôn bài của các em, và những học sinh khá giỏi cũng cần thời gian để xem lại bài cũ và coi trước bài mới. Hơn nữa việc không soạn bài thường xảy ra với các em học trung bình, yếu. Đối với những em này yêu cầu các em học thuộc bài cũ là tốt rồi, chứ các em không có khả năng soạn bài mới. Và những em này cũng không sợ cán bộ lớp, cán bộ lớp kiểm tra báo cáo lại cho giáo viên chỉ làm mất thời gian mà gây ồn ào trong giờ truy bài, và để phí 15 phút vô ích. Vì vậy giáo viên bộ môn có biện pháp ngay trong tiết học của mình thì các em lo hơn.
Cách khác khi có kiểm tra 1 tiết của môn nào, tôi cũng dùng 15’ đầu giờ để hỏi vài câu trong đề cương, yêu cầu học sinh khá giỏi đọc trước, rồi gọi 2,3 em trung bình yếu đọc lại, học cả lớp như vậy các em sẽ nhanh thuộc và nhớ lâu, những em nào chưa học bài cũng có thể nhớ ý đế làm bài. Làm cách này sẽ kiểm tra được nhiều môn trong 15’ đầu giờ. Sử dụng 15’ đầu giờ hiệu quả cũng là một cách giúp học sinh nâng cao chất lượng học tập.
Mặt khác trước kì thi tôi tổ chức các em học nhóm, gọi một số em khá giỏi kèm những em yếu kém học thuộc bài. Các bạn khá giỏi đọc trước đến các em khá, trung bình yếu đọc sau. Thay vì học một mình dễ chán, thì học cả nhóm các em tập trung hơn.
Trên đây là những cách tôi đã làm để duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng học tập.
* Bài Tham luận : "SỰ CẦN THIẾT CÓ TỔ CHỨC TƯ VẤN TÂM LÝ TRONG TRƯỜNG HỌC HIỆN NAY- KẾ HOẠCH – NHIỆM VỤ - HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG"
I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA BAN TÂM LÝ TRONG TRƯỜNG HỌC
Khi cuộc sống ngày càng phát triển, với những khả năng giao tiếp ảo ngày càng phổ biến thì dường như con người càng có xu hướng sống biệt lập và ít giao tiếp với cộng đồng. Ảnh hưởng của lối sống công nghiệp cùng với sự phát triển của Internet đã làm cho phần lớn trẻ em đi vào cuộc sống sa đoạ, không làm chủ bản thân mình, phát triển tâm sinh lý không bình thường có xu hướng ngày càng cao. Một số chứng bệnh về tâm lý cũng phát triển theo…
Trước một thực tế, rất nhiều những khúc mắc trong học tập, tâm sinh lý, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè… nếu không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Ở lứa tuổi của học sinh THCS, THPT cho đến cả không ít sinh viên CĐ, ĐH vẫn rơi vào tình huống tâm lý không ổn định, đôi khi các em tự trầm trọng hóa những vướng mắc của mình, dẫn đến dễ chán nản, buồn bực, stress kéo dài. Lúc này vai trò của những thầy cô chủ nhiệm lớp, tổng phụ trách đội, gv phụ trách phòng TVTL học đường thực sự rất quan trọng. Sự chia sẻ, tư vấn kịp thời của các thầy cô sẽ giúp các em tìm lại được ý nghĩa trong cuộc sống, tránh được những lầm lạc không đáng có.
Vì vậy việc thành lập phòng TVTL học đường ở các cơ sở trường học là một việc làm thiết thực - Đây là mô hình tốt, cơ bản giải quyết được những tâm tư, thắc mắc, bức xúc của học sinh không chỉ trong học tập mà còn trong các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, cha mẹ...
II. THỰC TRẠNG
Tuổi thiếu niên là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành và được phản ánh bằng những tên gọi khác nhau như: “thời kỳ quá độ“, “tuổi khó bảo“, “tuổi khủng hoảng “, “tuổi bất trị “...
- Đây là lứa tuổi có bước nhảy vọt về thể chất lẫn tinh thần, các em đang tách dần khỏi thời thơ ấu để tiến sang giai đoạn phát triển cao hơn (người trưởng thành) Vì vậy có nhiều sự khác biệt mọi mặt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, đạo đức… của thời kỳ này.
- Ở lứa tuổi thiếu niên có sự tồn tại song song “vừa tính trẻ con, vừa tính người lớn” ,điều này phụ thuộc vào sự phát triển mạnh mẽ về cơ thể, điều kiện sống, hoạt động…của các em.
- Mặt khác, ở những em cùng độ tuổi lại có sự khác biệt về mức độ phát triển các khía cạnh khác nhau của tính người lớn - điều này do hoàn cảnh sống, hoạt động khác nhau của các em tạo nên.
Như chúng ta đã biết tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần, vật chất con người. Ai cũng có tâm lý, kể cả những bậc phụ huynh, người lớn, công chức lao động khi gặp áp lực trong cuộc sống, công việc hay những vấn đề nào đó bức xúc thì chính họ cũng rất cần được chia sẻ, gỡ rối.Cho nên đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên việc giải quyết những vấn đề về tâm lý thì rất cần thiết. Bởi, các em đang độ tuổi trưởng thành, đang từng bước thu nạp kiến thức, kinh nghiệm.. nên khi vấp phải những vấn đề tâm lý phức tạp, áp lực khiến các em khó có thể vượt qua. Các em có rất nhiều những khúc mắc trong học tập, tâm sinh lý, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè… mà nếu không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến những hậu quả khó lường. Đó là những ca tự tử, những cách cư xử khó hiểu và cảm giác mặc cảm nhiều khi rơi vào trầm cảm và đi theo con đường xấu, tương lai sẽ bị lu mờ, phát triển sai hướng. Tình hình bạo lực học đường ngày càng gia tăng, số học sinh bỏ nhà ra đi, tình bạn vượt xa ranh giới … hoặc trẻ em mắc một số chứng bệnh trầm cảm… ngày càng tăng Vì vậy, học sinh, sinh viên là đối tượng cần được chia sẻ, thông cảm nhiều nhất. Chính vì vậy mà sự có mặt của ban tư vấn tâm lý học đường ra đời đã phần nào đáp ứng được nhu cầu này.
III. Thành lập Ban tâm lý học đường kế hoạch và nhiệm vụ của phòng tâm lý học đường
1/ Thành lập
Phòng tâm lý học đường trường ta được thành lập từ tháng 9 năm 2010. Các tư vấn viên gồm GVCN, anh tổng phụ trách, và người phụ trách chính là tôi. Sau 1 năm hoạt động, phòng tư vấn tâm lý học đường của trường THCS Trần Quang Khải đã trở thành nơi mà học sinh trong trường (đặc biệt là HS khối 9) đến vào giờ ra chơi để được tư vấn về phương pháp học tập cũng như tâm sự về tình bạn, tình yêu và giới tính… Với phương châm “mỗi thầy cô là một nhà tư vấn”, Mỗi thầy, cô giáo luôn phải sẽ là người biết tôn trọng, lắng nghe và giúp học trò của mình tự lực giải quyết khó khăn. Tuy nhiên lượng học sinh đến phòng chưa nhiều, các em còn e ngại , còn giấu tên khi gửi tin nhắn cho cô phụ trách tâm lý. Nhìn chung các em chưa tin tưởng cho lắm, sợ khi tâm sự cùng cô thì tất cả các bạn đều biết…..Vì vậy để khắc phục điều này yêu cầu mỗi tư vấn viên chúng ta phải biết đến với các em bằng cái “tâm” và cái “tình” để các em tin tưởng mà bộc bạch những khó khăn, những nỗi niềm riêng tư. Thầy cô là những người bạn lớn của các em... Bởi, nguyên tắc cơ bản của TVTL học đường là lắng nghe. Không lắng nghe không còn là tư vấn.. Mỗi thầy cô giáo có vai trò hết sức quan trọng – phải thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng HS.
2/ Kế hoạch
Nói chuyện dưới cờ về tầm quan trọng của phòng tư vấn học đường (tháng 9) – (đã thực hiện)
Báo cáo về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh cấp 2 (khối 8&9) (tháng 12)
Hàng tuần mở cửa vào sáng thứ 3 và 5, chiều thứ 4 và 6
3/ Nhiệm vụ của phòng tâm lý học đường
Nhiệm vụ chính của phòng tư vấn tâm lý (TVTL) học đường cùng các tư vấn viên là tham gia vào việc phòng ngừa những khó khăn, thất bại trong học tập cũng như trong đời sống tinh thần của các em học sinh. Từ đó góp phần giúp cho học sinh giải tỏa được những khúc mắc trong đời sống, có thành tích tốt hơn trong học tập.
Trao đổi với các em học sinh gặp khó khăn trong học tập trực tiếp hoặc qua hòm thư được gắn tại phòng đội và phòng tâm lý
Tư vấn về những vấn đề giới tính
Tâm sự về các mối quan hệ bạn bè, gia đình, thầy cô…
4/Mục đích
- Trò chuyện với các em để cùng phát hiện ra những vấn đề của các em đang gặp phải.
- Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với các em.
- Hỗ trợ các em đưa ra giải pháp và tăng cường sức mạnh để vượt qua những khó khăn tâm lí mà các em gặp phải.
5/Vai trò của người thầy khi làm công tác tư vấn
Là cương vị của người thầy, chúng ta hãy mở rộng “vòng tay tình bạn” nối liền đến trái tim học trò. Hãy coi học trò là những người bạn để sẻ chia, để đồng cảm để từ đó mới có thể phác hoạ được chân dung đời sống tâm hồn của học sinh. Dạy học phải truyền cả niềm tin chứ không phải là một khối lượng kiến thức đơn thuần.
Chúng ta hãy thực sự là một đạo diễn vừa là diễn viên trên sân khấu nhưng đồng thời cũng thể hiện là người anh, người chị, người bạn chân thành của các em, hãy vừa là nhà giáo nhưng cũng cần trở thành một nhà tư vấn tâm lí.
Khi tiếp xúc, lắng nghe học sinh, giáo viên chúng ta phải đến với các em bằng cái “tâm” và cái “tình” để các em tin tưởng mà bộc bạch những khó khăn, những nỗi niềm riêng tư. Thầy cô phải biết trở thành những người bạn lớn của học sinh... Bởi, nguyên tắc cơ bản của TVTL học đường là lắng nghe. Không lắng nghe không còn là tư vấn. Và cách nhìn để tư vấn cho học sinh cũng nên có một số thay đổi. Đơn cử như học sinh cá biệt không còn phải đáng chỉ trích, mà là một nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh. Trong không ít trường hợp, cách giải quyết cuối cùng là giúp trẻ và gia đình tháo gỡ khó khăn về tinh thần cũng như vật chất! Học sinh trở nên ngoan ngoãn và phụ huynh lại gắn bó với trường hơn. Mỗi thầy cô giáo, phụ huynh học sinh không nên quên rằng mỗi bước đường tương lai của các em một phần do chúng ta quyết định.
Giáo viên chúng ta cần nhận thức rõ, giáo dục một con người là một quá trình không có điểm cuối cùng. Đó là công việc kéo dài cả một đời người chứ không phải là chuyện của ngày một, ngày hai. Vì thế, người giáo viên chúng ta đặc biệt là GVCN không bao giờ được chủ quan, nóng vội. Một câu nói vô tình, một trách phạt nôn nóng, một hành xử thiếu cân nhắc đôi khi gây tổn thương và - biết đâu đó - các em sẽ mang theo vết thương kia thành một ám ảnh khôn nguôi!... Trước mọi sai lầm, vi phạm của học sinh, GVCN cần hết sức bình tĩnh, bao dung và độ lượng để xem xét, giải quyết, xử lý vấn đề.
Với một học sinh lười, một học sinh chưa ngoan… chúng ta không nên ảo tưởng là các em sẽ tiến bộ ngay sau vài lần nhắc nhở hay xử phạt của GVCN. Có khi, các em vẫn tiếp tục lười, tiếp tục phạm lỗi lầm với mức độ liên tục hơn, nghiêm trọng hơn - như một cách thách thức, một cách khẳng định mình với bạn bè, với thầy cô, với mọi người. Chính ở những khoảnh khắc này, người GVCN cần thể hiện rõ bản lĩnh và năng lực sư phạm - trong đó - có cả năng lực "chịu đựng" của mình. Chịu đựng những vi phạm cố tình, những thách thức nông nổi và chịu đựng cả những nỗi bực bội, tức giận đang phải dồn nén trong người. Cần tạo được ở các em, trước hết là sự tôn trọng và sau đó là một sự gần gũi, cảm thông.
Trong quá trình làm việc tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn
• Tư vấn viên chưa chuyên nghiệp. Bản thân tôi được tập huấn 10 ngày tại sở giáo dục, kiến thức về công tác TVTL còn non yếu, chủ yếu đọc sách hoặc tham khảo các bài viết trên mạng.
• Việc TVTL học đường còn xa lạ đối với các em học sinh vùng nông thôn.Các em chưa hiểu rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của tư vấn học đường
• Các em thật sự chưa tin tưởng nhiều vào GVCN cũng như tư vấn viên để bộc bạch những điều thầm kín.
• Khi tâm sự, các em đã dấu tên, lớp của mình và gửi tin nhắn qua điện thoại.
• Quĩ thời gian của các em ở trường đã kín vì lịch học …vì vậy việc gần gũi, tiếp xúc tâm sự với các em thật là khó.
Vậy để cho công tác TVTL học đường đạt hiệu quả đòi hỏi chúng ta cần chú trọng những vấn đề sau đây:
• Sự kết hợp làm việc hài hòa giữa GVCN, tổng phụ trách đội, giáo viên phụ trách tâm lý và phụ huynh học sinh.
• Kịp thời phản ảnh những hiện tượng sai trái, những thay đổi tâm sinh lý của các em khi mới vừa chớm nở ở cuộc họp giao ban hoặc sinh hoạt chủ nhiệm.
• Chúng ta, những nhà tâm lý hãy mở rộng “vòng tay tình bạn” nối liền đến trái tim học trò. Hãy coi học trò là những người bạn để sẻ chia, để đồng cảm để từ đó mới có thể phác hoạ được chân dung đời sống tâm hồn của học sinh.
• Học sinh chúng ta chỉ là những cành cây non, đang muốn vươn lên trở thành cành cây vững chắc, hãy tạo điều kiện cho các em thể hiện mình, vươn lên nơi có ánh sáng vững bền, hãy giáo dục các em bằng thái độ thân thiện và tích cực.

Các thầy cô giáo đã sôi nổi đóng góp ý kiến về tất cả các hoạt động của trường, cùng nhau thảo luận đưa ra các biện pháp, thống nhất các chỉ tiêu trong bản kế hoạch năm học để phù hợp với chất lượng của nhà trường. Cuối cùng, hội nghị thống nhất được bản nghị quyết và ký kết giao ước thi đua giữa Hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Buổi Hội nghị Cán bộ công chức trường THCS Trần Quang Khải thành công tốt đẹp.


