Ngày Nhà giáo Việt Nam đã và đang về trên khắp mọi miền đất nước. Cùng với thầy trò trong cả nước, sáng nay – thứ 2 (14/11/2011) nhân buổi chào cờ toàn trường, thầy trò trường THCS Trần Quang Khải cùng nhau ôn lại truyền thống ngày lịch sử trọng đại này.
Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - FISE).
Đến nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 (hội nghị có 57 nước tham dự), đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ ngày 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa, lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Ngày này lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc Việt Nam. Những nǎm sau đó, ngày lễ này được còn được tổ chức tại nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Hàng nǎm vào dịp kỷ niệm 20 tháng 11 cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong các vùng khác, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của những giáo viên kháng chiến.
Khi nước nhà được thống nhất, ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên “Ngày nhà giáo Việt Nam". Nội dung quyết định số 167-HĐBT gồm 4 điều:
Điều 1: Từ nay hàng nǎm sẽ lấy ngày 20-11 là ngày nhà giáo Việt Nam.
Điều 2: Để ngày 20-11 có ý nghĩa thiết thực hàng nǎm từ tháng 10 các cấp chính quyền và toàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình, kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cấp tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và nǎng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình.
Điều 3: Việc tổ chức ngày 20-11 hàng nǎm do Ủy ban Nhân dân và Hội đồng Nhân dân các cấp chủ trì, có sự phối hợp các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thǎm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích. Việc tổ chức này nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Điều 4: Trong ngày 20-11 các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và địa phương.
Quyết định trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, của Nhà nước về vị trí, vai trò của Nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc. Để ghi nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và động viên khuyến khích các nhà giáo, ngày 30-5 1985 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã kí lệnh công bố pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước cho các công trình thuộc lĩnh vực khoa học kĩ thuật, văn hoá nghệ thuật ... ( trong đó có các sách giáo khoa cho các trường học ) và Pháp lệnh quy định vinh dự nhà nước “ Nhà giáo Nhân dân” , Nhà giáo ưu tú để tặng các cô nuôi dạy trẻ, giáo viên mẫu giáo, giáo viên phổ thông, giáo viên bổ túc văn hoá, giáo viên dạy nghể, cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ... có thành tích xuất sắc.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học. Kính trọng và biết ơn thầy giáo là nét văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam. Văn hóa đó đã được bổ sung và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Những tấm gương tiêu biểu về tinh thần hiếu học, về nhân cách ngời sáng được bao thế hệ người Việt Nam biết đến như Chu Văn An (thời Trần) là người thầy tài cao, đức trọng, ngay thẳng, cương trực, ông có công dạy dỗ nhiều người thành đạt nhưng không màng danh lợi. Hay như nhân cách cứng cỏi, bản lĩnh của cụ Tư đồ Trần Nguyên Đán; Nhà giáo Lương Đắc Bằng nghiêm khắc dạy bảo Nguyễn Bỉnh Khiêm học thi đỗ Trạng nguyên; Nguyễn Đình Chiểu là nhà giáo cầm bút đánh giặc:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà
Truyền thống “tôn sư trọng đạo” còn được biểu hiện cao đẹp ở những nhân vật trong lịch sử hiện đại. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, trước khi ra đi tìm đường cứu nước đã từng dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Và, Người đã ra đi tìm đường cứu nước mang lại tự do, độc lập cho dân tộc. Người luôn kỳ vọng, tin tưởng vào thế hệ trẻ. Trong buổi khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người căn dặn” “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.”.
Và, còn biết bao những nhà giáo tiêu biểu đã cống hiến không chỉ cho sự nghiệp giáo dục mà còn cống hiến suốt cả cuộc đời cho cách mạng, cho khoa học kỹ thuật. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng... Chân dung các nhà giáo Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Lê Trí Viễn, Lê Hoài Nam, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Thúc Hào... đã làm rung động biết bao thế hệ học sinh, sinh viên.
Những tấm gương hiếu học, vượt khó vươn lên như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành thần tượng của nhiều thế hệ học sinh.
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, thầy cô giáo đã truyền lý tưởng cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh. Lớp lớp chiến sĩ theo dấu chân người lính đã viết nên nhiều bản trường ca vang dội cho đất nước được tự do, độc lập. Ơn thầy, kính trọng thầy trở thành một chủ đề lớn được bổ sung vào sổ vàng truyền thống của dân tộc như một nét văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam xưa và nay.
Trong thời kỳ đổi mới, mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến nhiều mặt của xã hội, song người thầy vẫn kiên định, vững vàng bản lĩnh, cốt cách của nhà giáo. Ánh sáng của lương tri, ngọn lửa trí tuệ, tình thương của nghề trồng người đã vun đắp cho thầy cô vững tin “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Người thầy hôm nay là nhân vật trung tâm của xã hội hiện đại. Trong một xã hội học tập và mọi người học tập suốt đời thì vai trò của thầy giáo lại càng quan trọng. Những cuộc vận động của ngành giáo dục trong thời gian qua đã nâng vị thế của nghề thầy giáo lên tầm cao mới. Đó là “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về tinh thần học tập và sáng tạo”…
Trường THCS Trần Quang Khải, với bề dày lịch sử còn non trẻ so với các đơn vị bạn nhưng cả thầy và trò trong suốt những năm qua đã không ngừng nổ lực, phấn đấu vươn lên, khẳng định tên tuổi của nhà trường với những thành đáng trân trọng. Biết bao tấm gương các thầy cô miệt mài đèn sách vì HS thân yêu! Đó là Thầy Trần Châu Nam - HT nhà trường luôn tận tâm với công việc, là đầu tàu gương mẫu, người luôn vững tay chèo để đưa thành tích của trường ngày càng đi lên. Đó là Cô Trần Thị Trường – Phó hiệu trưởng luôn vui vẻ, hòa đồng, chỉ đạo kịp thời và sát sao mọi hoạt động chuyên môn của nhà trường. Đó là đội ngũ tổ trưởng – cánh tay phải đắc lực góp phần làm nên những thành tích của nhà trường: Thầy Nguyễn Lương, Cô Võ Thị Tân Trang, Cô Trần Thị Dân, Cô Phạm Thị Vân, Thầy Kiều Xuân Doanh. Đó là các thầy cô giáo chủ nhiệm – những người cha, người mẹ thứ hai, luôn bám sát để dìu dắt từng bước đi của HS,…Nhiều thầy cô trong nhà trường nhiều năm liền luôn đạt danh hiệu Gv giỏi trường, giỏi Huyện, giỏi Tỉnh như Cô Nguyễn Ngọc Đông Nghi – người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở…Còn biết bao tấm gương của thầy cô trường ta đều tất cả vì HS thân yêu!
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trong sắc nắng vàng của mùa đông, trong niềm vui hân hoan, thầy cô như trẻ lại, hạnh phúc rạng rỡ, mến yêu nghề hơn và càng khát khao cống hiến. Niềm khát khao cống hiến ấy ngày càng được nhân lên bởi họ nhận được sự quan tâm của cộng đồng và toàn xã hội. Sự tri ân, tôn sư trọng đạo với sự nghiệp trồng người đang bồi đắp làm rạng rỡ thêm truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam hôm qua, hôm nay và cả mai sau.
Một mùa Hiến Chương nữa lại về! Xin gửi đến Thầy cô và các em HS tâm sự của em Ngân Hoàng qua bài thơ “Thầy!”:
“Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay
Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng
Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn
Mà sao lòng xao xuyến mãi không nguôi
Bao năm rồi ? Đã bao năm rồi hở ? Thầy ơi ...
Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại
Mái chèo đó là những viên phấn trắng
Và thầy là người đưa đò cần mẫn
Cho chúng con định hướng tương lai
Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi
Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa
Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu ...”
Vâng! Đó cũng chính là tấm lòng của những HS từ nơi xa gửi đến quý thầy cô trong ngày vui trọng đại với lời tri ân sâu sắc: “Mãi mãi bên con tiếng của Thầy vang vọng. Đã xa rồi mà con ngỡ hôm qua. Bài giảng của thầy như chắp cánh ước mơ, cho con bay khỏi vùng trời cổ tích. Có những lúc thầm lặng con ngắm, vầng trán thầy đọng lại những nếp nhăn... Tuổi thơ con như những ánh trăng rằm, sao thấy được nổi lòng thầy cùng năm tháng. Đã qua rồi một thời và con đã lớn. Bài học đầu đời con hiểu được thầy cô. Lời giải đáp cho con không còn là ẩn số mà cả tấm lòng thầy quảng đại bao la. Ở nơi xa theo hương bay của gió, con gởi lòng mình tôn kính đến thầy yêu!”.
Kính chúc quý thầy cô trường ta luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, thành đạt trong sự nghiệp trồng người! Chúc các em HS gặt hát được nhiều kết quả mỹ mãn trong kỳ thi HK I sắp đến.
Xin cám ơn và xin gửi lời chào trân trọng nhất!
Chủ tịch CĐCS
Nguyễn Thị Kim Khánh