PHƯƠNG PHÁP HỌC TỐT
Chúng ta đã sắp bước vào thời gian ôn tập để chuẩn bị cho kì thi HK2 , kết thúc năm học 2012-2013. Ai cũng đang có hết sức để có kết quả thạt cao trong kỳ thi sắp tới. Đặc biệt là các bạn học sinh lớp 9, năm cuối cấp, kết quả thi Hk2 có vai trò quan trọng để các bạn xét tuyển vào lớp 10. Phương pháp học tập tốt, hiệu quả chính là cách để giúp chúng ta có kết quả học tốt, tuy nhiên hầu hết các bạn học sinh trong học tập thường thì thiếu phương pháp học, không nắm được trọng tâm bài, học tràn lan nên rất dễ quên. Khi đã quên thì học bài cũ như mới, rất tốn thời gian. Vì vậy cần tạo cho mình phương pháp học, lúc đầu khó nhưng khi quen rồi cảm thấy nhẹ nhàng, cảm thấy rất tự tin khi đến lớp.
Có nhiều bạn khi nắm kỹ bài nhưng thấy chưa đủ cần bổ sung kiến thức nên đi học thêm để hiểu bài thấu đáo hơn là tốt. Nhưng cũng không ít người chẳng hiểu gì hết, học ở trường không hiểu, phải học thêm cho hiểu mà thực chất vốn kiến thức chẳng có thì học cho mấy cũng như không. Điều cốt lõi là phải tạo cho mình vốn kiến thức cần thiết. Để làm được điều đó cần phải tự mình học hỏi, tự mình khai thác tiềm lực của mình trước. Nếu xét kỹ thì thời gian dành cho việc tự học tại nhà là rất quý, nếu vận dụng được sẽ tốt rất nhiều. Sau đây mình sẽ gửi đến các bạn một phương pháp học ở nhà:
1. Chuẩn bị điều kiện học tập:
* Xác định cho mình tư tưởng: còn nhiều điều chưa hiểu, chưa nhớ trong bài học. Cũng bài đó, tại sao các bạn hiểu, làm được còn mình thì không? Phải nghiên cứu… Phải học mới có tương lai.
* Tạo cho mình nơi học tập cố định, đủ sách vở, đủ tiện nghi cần thiết, tránh ồn ào, nhất là nơi có người thường xuyên đi lại. Có đủ ánh sáng để khỏi hại mắt. Nếu có phòng riêng nên thiết kế trong phòng.
* Hạn chế đến mức thấp nhất việc xem ti vi, phim ảnh, nghe nhạc…Khi vào học là phải tập trung, gát bỏ tất cả chuyện khác.
* Cần có đồng hồ để thực hiện đúng trình tự TKB.
2. Lập thời khóa biểu học tại nhà:
* Tự lập cho mình TKB học tại nhà và thực hiện nghiêm túc, đúng giờ như ở trường.
* TKB tại nhà dựa vào TKB ở trường, chủ yếu là học bài cho ngày nay và mai. Tùy môn mà dành thời gian ít hoặc nhiều, không xem nhẹ, bỏ sót môn phụ.
Không có TKB sẽ rơi vào tình trạng học tràn lan, không biết học môn nào trước môn nào sau, không giờ giấc, đây là điều rất thường thấy ở nhiều người.
* Thời gian ở nhà khá nhiều nên TKB có thể là ngày, đêm gồm 3 phần:
+ Học lại bài đã học trong ngày.
+ Ôn bài sẽ học ngày mai.
+ Nghiên cứu bài sẽ học ngày mai.
Ba phần trên thấy đơn giản nhưng khối lượng công việc rất nhiều nên cần phân phối thời gian hợp lý và quan trọng nhất là ý thức chấp hành việc thực hiện TKB.
3. Đối với những bài đã học tại lớp trong ngày:
* Phải học lại bài học vừa xong trong ngày vì sẽ dễ nhớ và làm bài tập dễ dàng hơn. Có nhiều điều quên nhưng lúc đó có thể hình dung, nhớ lại lời giảng của thầy, cô.
* Phải trả lời cho được tất cả các câu hỏi của SGK, làm tất cả bài tập vì hầu hết các câu hỏi, bài tập đó là trọng tâm bài không thể để trôi qua dù là câu hỏi dễ nhất.
* Học lại bài vừa học ít ai thực hiện vì hầu hết chỉ lo bài ngày mai, mà như vậy là kiến thức vừa học để hôm sau sẽ quên hết, khi học lại sẽ như mới. Vì thế nên thực hiện việc này trước rồi học bài cũ.
* Khi học đã hiểu thấu đáo rồi thì việc học ôn lại của hôm sau rất đơn giản.
4. Đối với việc học bài cũ:
* Môn học ngày mai ít khi trùng với hôm nay, thế nhưng nhờ đã hiểu bài từ trước nên việc ôn lại sẽ ít tốn thời gian.
* Hạn chế việc học thuộc lòng từng câu, từng từ trong sách hoặc bài giảng vì như vậy sức đâu mà nhớ. Hiển nhiên là loại trừ những điều bắt buộc.
* Tập thói quen nắm ý chính của mỗi phần rồi từ đó diễn đạt theo ý của mình.
* Học bài nào chắc bài đó, cần phải hiểu rõ nội dung chính mới nhớ lâu và cũng là cơ sở chắc chắn để học tốt bài tiếp theo .
* Khi đã nắm chắc bài, còn thời gian nên lấy kiến thức học thêm, sách tham khảo… giải các bài tập khó của bài ấy để mở rộng kiến thức.
5. Đối với việc nghiên cứu bài mới cho ngày mai:
* Nhờ nắm chắc kiến thức bài đã học nên việc nghiên cứu bài mới sẽ rất thuận lợi. Trong nghiên cứu bài mới không yêu cầu học thuộc điều gì.
Mục đích chính là đọc – hiểu.
* Đọc từng câu và nghiên cứu thật kỹ từng ý bài mới, tìm cho được trọng tâm bài.
* Bài tuy dài nhưng rút cho được nội dung chính như vậy là đã thực hiện soạn bài.
* Những chỗ chưa hiểu, dùng bút chì đánh dấu để khi đến lớp chú ý nghe giảng.
* Lĩnh hội kiến thức mới từ chỗ tự nghiên cứu và nghe giảng là đã thuộc bài tại lớp.
6. Lên lịch tự học tại nhà như thế nào?
* Những vấn đề nêu trên thấy đơn giản nhưng nếu không tính toán sắp xếp sẽ không thể thực hiện được. Ví dụ bình quân mỗi môn là 30 phút, mỗi phần học có 4 môn như vậy đã mất 2 giờ. Ba phần học mất ít nhất là 6 giờ cho mỗi ngày.
Đây chỉ là ví dụ còn cụ thể phải tùy theo môn mà tăng hoặc giảm thời gian.
* Thời gian để thực hiện vào buổi tối là cố định, còn lại là buổi sáng hoặc chiều. Bên cạnh đó buổi sáng hoặc chiều còn phải học trái buổi theo TKB biểu tại trường hoặc học thêm môn nào đó.
* Do những ràng buộc trên nên việc tạo TKB tại nhà phải linh hoạt tùy theo ngày chứ không cố định ngày giờ được.
* Khó khăn là vậy nhưng nếu có quyết tâm, có ý chí phấn đấu để thành công trong việc học thì sẽ làm được. Khi đã tạo cho mình thói quen thì việc học sẽ thấy dễ dàng, không đáng lo nữa.
Điều vui nhất trong đời học sinh là khi đến trường cảm thấy tự tin, không lo sợ việc không thuộc, không hiểu bài. Nếu có phương pháp nào tốt hơn các bạn hãy áp dụng và dùng nó để bổ sung nhé.
Khi đã biết cách phân chia lịch học, thời gian biểu thì chúng ta cũng cần có một phương pháp học tập cụ thể cho từng môn học thì hiệu quả và chất lượng học tập mới được nâng cao rõ rệt:
Chẳng hạn đối với môn Toán, cần lưu ý:
- Phải thuộc những định nghĩa và định lý bằng cách làm nhiều bài tập.
- Gặp một bài toán lạ và khó, bình tĩnh và kiên nhẫn phân tích để đưa về những bài toán cơ bản và quen thuộc.
- Để có hiệu quả cao, cần phải có một chút yêu thích môn học.
- Phải học đều từ đầu năm chứ không phải đợi gần thi mới học.
Đối với bộ môn ngữ văn:
• Học thật kỹ bài học cũ, xem lại các vấn đề chưa hiểu rồi làm dấu để hỏi lại thầy cô hoặc bạn bè.
• Sau đó, bạn hãy chuẩn bị bài cho ngày hôm sau bằng cách đọc bài trước và soạn bài, xem câu hỏi mỗi phần của bài học để hiểu trước bài học và giúp cho việc hiểu kỹ bài khi thầy cô giảng trên lớp. Còn khi vào lớp, điều đầu tiên bạn nên chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài, để chú ý những phần nhấn mạnh của thầy cô, chú ý cách dùng từ của thầy cô, nếu thấy câu nào hay và phù hợp, bạn nên ghi lại để có thể biến nó thành ý của mình khi làm Văn. Trong giờ học có vấn đề gì chưa rõ, bạn đến hỏi ngay để được thầy cô giải đáp. Cố gắng nắm dàn ý của bài giảng ngay trên lớp, làm như thế bạn sẽ hiểu bài kỹ hơn, học bài dễ thuộc hơn.
• Điều khá quan trọng là trong giờ học, khi thầy cô đặt câu hỏi, nếu có ý tưởng trả lời, bạn nên mạnh dạn phát biểu, vì chính lúc ấy thầy cô sẽ góp ý và chỉnh sửa cho bạn, khi đó bạn sẽ hiểu rõ vấn đề, hiểu bài rõ hơn.
• Cần chú ý là khi học Văn, bạn nên để đầu óc thảnh thơi, không nên gây áp lực khí ấy sẽ tiếp thu dễ hơn, sự nhìn nhận của bạn về vấn đề sẽ được mỏ rộng sâu sắc và phong phú hơn.
• Các bạn cần làm tốt bài tập thầy cô giao về nhà và học bài đầy đủ trước khi đến lớp nữa.
• Và điều cuối cùng là bạn nên đọc nhiều sách để nâng cao kiến thức văn học của bản thân.
Để có một bài văn tốt, nên theo các bước sau:
Bước 1: Tìm hiểu kỹ đề, xem đề bài cần yêu cầu về những nội dung nào và kiểu bài, nắm chắc phương pháp làm kiểu bài đó.
Bước 2: Tìm ý.
Bước 3: Lập thành dàn ý.
Bước 4: Viết bài văn.
Bước 5: Kiểm tra.
Để viết bài tốt cần chú ý các điểm sau:
Nắm chắc phương pháp để viết bài văn theo trình tự nào. Bên cạnh đó, cần suy nghĩ tìm tòi, huy động những kiến thức đã học liên quan đến nội dung đề. Hơn thế nữa, suy nghĩ sáng tạo của cá nhân là quan trọng nhất. Không nên lệ thuộc bài văn mẫu một cách rập khuôn máy móc. Bởi vì quá trình tiếp nhận văn học là tiếp nhận những tri thức, cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Cho nên khi diễn đạt thì ngoài yếu tố câu cú, ngữ pháp, lời văn phải trong sáng còn yêu cầu là thể hiện tình cảm của người viết. Chúng ta cần phải trân trọng và đánh giá cao vai trò sáng tạo trong tiếp nhận của học sinh. Hãy mạnh dạn nêu những suy nghĩ, ý kiến, những cảm nhận của cá nhân mình, có thể những ý kiến đó chưa hay, chưa đúng nhưng sẽ được thầy cô giáo dạy văn định hướng và từ đó lại tiếp tục bày tỏ ý kiến cá nhân trên cơ sở định hướng thẩm mỹ của thầy cô. Khi viết một bài văn cũng là đang sáng tạo, cũng có nhu cầu bộc lộ bản thân mình. Vậy thì nên dựa trên những định hướng về nội dung, về kiểu bài, để có những sáng tạo nho nhỏ của chính mình, và mình trân trọng những sáng tạo của riêng mình. Lâu dần sẽ viết văn tốt, tự tin, và đến với môn văn một cách nhẹ nhàng, thoải mái, thú vị hơn.
Môn Tiếng Anh thì lại càng phải có phương pháp học:
Để học tốt môn Tiếng Anh, các bạn cần : Rèn 4 kỉ năng : Nghe, nói, đọc, viết.
- Học thuộc thật nhiều từ vựng, càng nhiều càng tốt.
- Nắm chắc ngữ pháp, các thì cũng như các cấu trúc câu.
- Và điều quan trọng là các bạn phải có lòng yêu thích, ham học hỏi bộ môn này.
Trên đây là một số phương pháp học tập tốt, mong rằng các bạn sẽ áp dụng được những phương pháp bổ ích vào việc học tập của chính mình. . Chúc các bạn học tốt, đạt kết quả cao trong kỳ thi HK2.
* Để đạt kết quả tốt trong tự học, người tự học cần nắm vững những kỹ năng, phải rèn luyện để hình thành cho mình những kỹ năng. Căn cứ vào chức năng của từng loại hoạt động có thể chia kỹ năng tự học làm bốn nhóm.
Thứ nhất: kỹ năng kế hoạch hóa việc tự học. Kỹ năng này cần tuân thủ các nguyên tắt sau: Đảm bảo thời gian tự học tương xứng với lượng thông tin của môn học; xen kẽ hợp lý giữa các hình thức tự học, giữa các môn học, giữa giờ tự học, giờ nghỉ ngơi; thực hiện nghiêm túc kế hoạch tự học như biết cách làm việc độc lập, biết tự kiểm tra.
Thứ hai: kỹ năng nghe và ghi bài trên lớp. Quy trình nghe giảng gồm các khâu như ôn bài cũ, làm quen với bài sắp học, hình dung các câu hỏi đối với bài mới. Khi nghe giảng cần tập trung theo dõi sự dẫn dắt của thầy, liên hệ với kiến thức đang nghe, kiến thức đã có với các câu hỏi đã hình dung trước. Cần lưu ý cách ghi bài khi nghe giảng như ghi một cách chọn lọc, sử dụng kí hiệu riêng, ghi cả chính đề lẫn phản đề, ghi thắc mắc của chính mình.
Thứ ba: kỹ năng ôn tập. Kỹ năng này được chia làm hai nhóm là kỹ năng ôn, kỹ năng tập luyện. Kỹ năng ôn bài là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc chiếm lĩnh kiến thức bài giảng của thầy. Đó là hoạt động tái nhận bài giảng như xem lại bài ghi, mối quan hệ giữa các đoạn rời rạc, bổ sung bài ghi bằng những thông tin nghiên cứu được ở các tài liệu khác, nhận diện cấu trúc từng phần và toàn bài. Việc tái hiện bài giảng dựa vào những biểu tượng, khái niệm, phán đoán được ghi nhận từ bài giảng của thầy, từ hoạt động tái nhận bài giảng, dựng lại bài giảng của thầy bằng ngôn ngữ của chính mình, đó là những mối liên hệ lô gic có thể có cả kiến thức cũ và mới.
Kỹ năng tập luyện có tác dụng trong việc hình thành kỹ năng tương ứng với những tri thức đã học. Từ việc giải bài tập của thầy đến việc người học tự thiết kế những loại bài tập cho mình giải; từ bài tập củng cố đơn vị kiến thức đến bài tập hệ thống hóa bài học, chương học, cũng như những bài tập vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Thứ tư: kỹ năng đọc sách. Phải xác định rõ mục đích đọc sách, chọn cách đọc phù hợp như tìm hiểu nội dung tổng quát của quyển sách, đọc thử một vài đoạn, đọc lướt qua nhưng có trọng điểm, đọc kĩ có phân tích, nhận xét, đánh giá. Khi đọc sách cần phải tập trung chú ý, tích cực suy nghĩ, khi đọc phải ghi chép.
Sau đây là một số phương pháp giúp bạn học hiệu quả các môn tự nhiên này.
1.Học với thái độ tích cực
Bước vào bàn học với tâm lý ngao ngán, cố gắng nghiền ngẫm với mục đích nuốt vào bụng mớ công thức đầy số và chữ cái Latinh - bạn đang có thái độ học rất tiêu cực, bị động đấy! Bạn sẽ mau chóng bị đè bẹp bởi hàng tá số liệu ấy thôi.
Hãy tạo cho mình thái độ học tập tích cực. Bạn hãy tự hỏi mình rằng bạn học những môn đó để làm gì? Nếu câu trả lời là để sau này thi đỗ đai học rồi là bác sĩ, kĩ sư thì bạn sẽ biết rằng mình phải học tốt để đạt được cái đích đó. Nếu không phải vậy, bạn cũng nên nghĩ rằng mình học tốt những môn này để thi đậu các kì thi học kì, thi tốt nghiệp. Hãy suy nghĩ về những ích lợi mà các môn này mang lại cho bạn như khả năng tư duy logic, óc phân tích, sự chính xác, những kiến thức thực tế có thể áp dụng… thay vì ngồi than vãn về những khó khăn.
2. Cách thức “nạp” thông tin vào bộ não
Não người gần như không có giới hạn, thế nhưng nó chỉ xử lý được từ 3-5 luồng thông tin một lúc và cần phải có thời gian, sự lặp đi lặp lại để lưu tất cả vào bộ nhớ. Nếu bạn chỉ dùng mắt để ngốn hết bài giảng vào đầu thì e rằng bạn đang ép não làm việc quá sức đấy. Hãy nhờ đến sự trợ giúp của giấy nháp, viết. Kiên trì đọc chầm chậm từng dòng sách giáo khoa, viết ra những gì cần suy nghĩ, tự chứng minh những gì còn chưa hiểu. Đó là cách tốt nhất để kiến thức đi vào đầu và mãi mãi nằm lại trong đó.
3. Hãy bắt đầu từ ngày hôm qua
Các môn tự nhiên luôn được giảng dạy theo trình tự logic, cái dễ trước, cái khó sau, cái sau phải vận dụng cái trước. Vì vậy, nếu chưa hiểu rõ bài ngày hôm qua, làm sao bạn có thể hiểu được ngày hôm nay thầy giảng về cái gì. Hãy bắt đầu từ những vấn đề cơ bản nhất, dễ nhất. Có thể là bắt đầu từ trang đầu tiên của sách giáo khoa. Đừng sợ mất thời gian vì cái tháp nào cũng phải xây từ mặt đất mà lên.
4. Học thầy không tày học bạn
Ngại đem những gì chưa hiểu để hỏi bạn bè, thầy cô là sai lầm chết người dễ dẫn đến mất căn bản nhất. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng ta không thể một mình hiểu hết tất cả những gì từ thầy cô và sách giáo khoa. Cần phải có đồng đội trong học tập. Không có ai thành công mà không nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Bạn có thể lập một nhóm bạn, không cần phải cùng trình độ nhưng nghiêm túc trong học tập để học nhóm định kỳ. Học nhóm tăng sự hứng khởi, làm não tiếp thu nhanh hơn, có động lực cạnh tranh làm bạn cố gắng hơn. Tuy vậy, chú ý đừng nói chuyện đùa giỡn quá trớn sẽ làm phản tác dụng của những buổi học nhóm đấy nhé.
5. Cần có thời gian và sự kiên trì
Cho dù bạn có cố gắng bao nhiêu đi nữa, thành công không thể đến với bạn ngay trong ngày mai. Có thể bạn sẽ tiếp tuc lãnh điểm xấu, tiếp tục không hiểu bài nhưng đừng bỏ cuộc. Người ta thường ví cậu học sinh chăm học như con ong cần mẫn. Và người ta cũng hay nói chỉ có mười phần trăm thành công của thiên tài là do trời phú, còn chín mươi phần trăm là do nỗ lực bản thân. Như vậy cũng đủ hiểu sự chăm chỉ quan trọng như thế nào trong việc học tập. Có thể mảnh ghép cuối cùng để bạn học tốt đến từ chính sự siêng năng, cần cù của bản thân bạn. Có thể bạn còn quan tâm nhiều đến những vấn đề khác ngoài những công thức khô khan kia. Tập trung và cố gắng dành nhiều thời gian và khoảng trống trong đầu cho việc học bạn nhé.
* Trong quá trình học tập, học sinh thường rơi vào một trong những rắc rối sau: Thứ nhất, không thể áp dụng tính năng động của bản thân vào những trường hợp vô cùng đơn giản, hay nói một cách khác, đây là tuýp người luôn quan trọng hóa vấn đề, biến cái đơn giản nhất thành cái khó nhất và ngược lại, một vấn đề khó ư? Chuyện nhỏ, đối với họ chẳng là gì. Kiểu thứ hai là mẫu người luôn tự đẩy mình vào tình trạng không biết phải phân bố thời gian thế nào cho hợp lý để có thể học hết khối lượng kiến thức dày đặc. Và cả kiểu thứ ba, thứ tư... nữa chứ. Nhưng thôi hãy tạm quên chúng đi, sau đây là phương pháp học sao cho có hiệu quả.
Phương pháp này có thể chia làm ba giai đoạn như sau:
1. Giai đoạn thứ nhất: Trước khi học
Nhận thức ở đây có nghĩa là phải hiểu được yêu cầu mà quá trình học đòi hỏi. Tiếp theo bạn phải biết quản lý những đặc điểm tính cách của bạn. Giả sử bạn là một người nóng tính, khi đã ngồi rất lâu rồi mà bạn vẫn chưa tìm ra cách giải của một bài toán khó đột nhiên bạn thấy bực mình vô cớ và không muốn họcn nữa, hãy tìm cách để kiểm soát cơn giận đó. Có thể chỉ dùng một biện pháp đơn giản như: trước khi học, bạn hãy viết lên một mảnh giấy nhỏ dòng chữ "Tức giận chẳng giải quyết được vấn đề gì" để trước mặt, mỗi lần bạn thấy bực tức hãy nhìn vào mảnh giấy đó, thư giãn một vài phút sau đó lại bắt tay làm lai từ đầu để tìm ra được vướng mẳc của bài toán... Bước tiếp theo là lên kế hoạch, hãy phân chia thời gian cụ thể để học từng môn một.
Ví dụ như bạn quy định trong buổi chiều nay bạn sẽ phải học được hai môn đó là: Toán, Lý và bạn đặt kế hoạch cho mình là phải học trong vòng ba tiếng từ 2 giờ - 5 giờ. Như vậy không có nghĩa là bạn sẽ chia đều ra mỗi môn hoc trong khoảng thời gian là một tiếng rưỡi mà trước khi lên kế hoạch bạn hãy giành chút thời gian để ước lượng xem môn nào có số lượng kiến thức nhiều hơn rồi từ đó phân bố thời gian học sao cho hợp lý. Tốt nhất là bạn hãy bắt đầu học từ môn nào mà bạn ưa thích hơn để tạo cho mình niềm say mê học tập.
2. Giai đoạn thứ hai: Trong quá trình học
Tính linh động trong việc đưa ra những lựa chọn đúng đắn là rất cần thiết trong giai đoạn này. Hãy thử hình dung thế này nhé:
Bạn đang cần chứng minh một bài toán nhưng để chứng minh được nó bạn cần áp dụng một bất đẳng thức A nào đó. Tuy bất đẳng thức này thường được dùng nhưng khi phải chứng minh bạn đột nhiên lại chẳng nhớ phải chứng minh thế nào, lúc này bạn sẽ phải đặt mình trước hai sự lựa chọn.
+ Thứ nhất: không cần chứng minh cứ thế làm tiếp để dành thời gian còn học các môn khác.
+ Thứ hai: là cố gắng lục lọi lại cách chứng minh bất đăng thức đó trong chồng sách vở cũ dù mất khá nhiều thời gian.
Bạn chọn cách nào đây, tất nhiên trong phương pháp này, bạn sẽ phải chọn cách hai nếu như bạn không muốn rơi vào hoàn cảnh một ngày kia bạn gặp lại bài toán này trong một bài kiểm tra. Bạn có muốn mình sẽ bị trừ điểm chỉ vì trong bài tọán có dòng chữ áp dụng bất đẳng thức A mà lại chẳng có nổi phần chứng minh bất đẳng thức A hay không?
3. Giai đoạn thứ 3: Sau khi học xong
Trong giai đoạn cuối cùng này bạn hãy tự thực hiện môt "cuộc càn quét" lại những gì mà bạn đã học được. Chẳng hạn bạn có thể ghi lại vào một mảnh giấy cách chứng minh bất đẳng thức A (nêu trên) hay những công thức, định lý... mà bạn vừa học xong hoặc làm riêng cho mỗi bộ môn một quyển sổ nhỏ. Ðây sẽ chính là quyển sổ tóm tắt lý thuyết của riêng bạn. Với cách này bạn sẽ nhớ lâu hơn những gì mà mình đã học được và cũng sẽ dễ dàng hơn nếu chẳng may bạn lại quên cách chứng minh bất đẳng thức A một lần nữa. Bạn sẽ không còn phải mất nhiều thời gian để lục tìm lại đống sách vở cũ nữa đâu.