Đăng Nhập
  
  
  

 Thông báo
  
 Liên hệ web
  
 Clip
|<<    <   
[1]2345
   >    >>|
  
  
  
PHỤ NỮ VIỆT NAM XƯA VÀ NAY

        Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10/1930 – 20/10/2013.

       Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong đó, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.  

      Chính vì vậy, mà  ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

       Tổ chức cao cấp nhất của phụ nữ Việt Nam đã ra đời, đánh dấu một mốc quan trọng, chính thức công nhận vai trò và thể hiện sự tôn trọng bình đẳng của nam giới đối với phụ nữ.  Đó là sự ghi nhận của đất nước đối với những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". 

      Dọc theo chiều dài lịch sử dân tộc, Phụ nữ Việt Nam đã lập nên những chiến công lẫy lừng nhưng cũng  rất thầm lặng  trong mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế … Hôm nay ngày 19/10/2013 chúng ta có dịp tề tựu về đây để ôn lại những trang sử vẻ vang mà phụ nữ ta đã làm được từ xưa đến nay.

      Từ thời đại các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh Qua những chặng đường vô cùng oanh liệt dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ truyền thống thông minh, sáng tạo, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm. Trải qua bốn nghìn năm, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã được xây dựng và lưu truyền trong nền văn học dân gian: bà Âu Cơ đưa các con đi mở nước và dạy dân dựng làng.

      Người Việt Nam tôn vinh bà Âu Cơ là Quốc Mẫu. Trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, người Việt đều nhớ đến ơn Quốc Mẫu Âu Cơ và ngày nay đền thờ Bà ở Phú Thọ

      Trong phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc:

     Thật ngẫu nhiên và kỳ diệu, lãnh tụ  đầu tiên tập hợp nhân dân khởi binh đánh giặc lại là hai người phụ nữ (Trưng   Trắc  và Trưng Nhị). Đúng như nhà thơ Trần  Mạnh Hảo đã viết trong Trường ca Đất nước hình tia chớp:

              Dân tộc lạ lùng lần đầu chiến đấu

              Lại cử chú bé vừa sinh cưỡi ngựa sắt xông ra

              Lại cử hai người đàn bà cưỡi voi cầm giáo.

      Ghi nhận tài năng của Hai Bà, trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia Lê Văn Hưu đã nhận xét: “Trưng Trắc  Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở lĩnh ngoại đều hưởng ứng”. Với chí khí, tài năng và công lao ấy, Trưng Trắc và Trưng Nhị được đánh giá không chỉ là những bậc anh tài đứng hàng thứ nhất trong giới phụ nữ mà còn là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước và ý chí anh hùng cho các thế hệ sau.

       Triều đại Trưng Vương tuy chỉ ngắn ngủi 3 năm, nhưng đã chứng tỏ tinh thần bất khuất của người phụ nữ Việt và mở đầu cho nền độc lập nước nhà. Hiện nay có nhiều đền thờ Hai Bà Trưng và ngày lễ hội kỷ niệm hàng năm vào mồng 6 tháng hai âm lịch.

       Trong lĩnh vực quản lý, điều hành đất nước:

      Đã có những đóng góp quan trọng của nhiều phụ nữ tài danh. Người được lịch sử ghi nhận và nhắc đến đầu tiên  là Nguyên phi Ỷ Lan (tên thật là Lê Thị Khiết).Với cương vị là một Nguyên phi bà đã từng thay vua lo việc nội trị trong thời gian vua đi đánh giặc, thực hiện các chính sách ích quốc lợi dân. Việc làm của bà đã có tác dụng to lớn, tạo thêm tinh thần và động lực đối với Vua Lý Thánh Tông trên con đường bình định phương Nam. Hơn thế nữa, bà còn là người có công trong việc chấn hưng đạo Phật, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

       Năm 2010, tưởng nhớ công đức của bà, một trong những danh nhân có tài trị nước của dân tộc, Ban quản lý di tích đền Nguyên Phi Ỷ Lan đã tôn trí tượng đài Nguyên Phi Ỷ Lan cao 9,1m, nặng khoảng 30 tấn được đúc bằng đồng nguyên chất. Đằng sau có bức phù điêu đá xanh 31.2m. Tượng đặt ở bên trái cửa Đền, trên quảng trường rộng lớn, thoáng mát.

        Đạm Phương nữ sử (1881–1947) - nữ kí giả Việt Nam tiên phong đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ :

      Đạm Phương nữ sử tên thật là Công Nữ Đồng Canh, tự Quý Lương, sinh năm Tân Tỵ (1881) tại phủ Tôn Nhơn, kinh đô Huế. Bà là cháu nội vua Minh Mạng, con gái Hoàng tử thứ 66 - Hoằng Hóa Quận công Miên Triện (1833 - 1905). Với nhiều tác phẩm có giá trị, Đạm Phương nữ sử không chỉ là gương mặt nổi     bật trong lĩnh vực văn chương mà còn được biết đến trong lịch sử là người đầu tiên ở Đông Nam Á đặt ra vấn đề giải phóng phụ nữ với những hoạt động tích cực vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. 

       Theo bà, người phụ nữ rất cần được giáo dục ở hai môi trường là “Trường nữ học của nhà nước” và “Trường học gia đình”. Con gái phải được học rộng để họ cũng làm nên sự nghiệp như nam giới, người đàn ông có bồn phận và nghĩa vụ như thế nào thì người đàn bà có nghĩa vụ, bổn phận như thế. Ngoài ra với tác phẩm “Giáo dục nhi đồng” bà Đạm Phương còn có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp chấn hưng giáo dục Việt Nam.

        

        Trong lĩnh vực văn chương, nghệ thuật:

        Lịch sử đã ghi nhận nhiều nữ sĩ tài năng như: Điểm Bích là một trong những tác giả đầu tiên của thơ Nôm, Đoàn Thị Điểm với thể loại ngâm khúc, Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”. Bằng tài năng nghệ thuật, những nữ sĩ tài danh đã góp phần gây dựng và bảo tồn nền văn hóa của dân tộc, đồng thời mang đến cho xã hội Việt Nam những tư tưởng mới, trào lưu văn hóa mới.

       Sống trong xã hội đương thời, một đóng góp quan trọng của những người phụ nữ tài danh là đấu tranh chống lại lễ giáo phong kiến và những bất công xã hội, đặc biệt là để thay đổi những quan niệm bất bình đẳng đối với người phụ nữ. 

        Đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ:

       Chị em phụ nữ Việt Nam đã góp phần xương máu vào thắng lợi huy hoàng của dân tộc. Tên tuổi các nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Mạc Thị Bưởi, Trần Thị Lý, Mẹ Suốt, Lê Thị Hồng Gấm và rất nhiều chị em  khác là những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta. Lịch sử sẽ còn mãi mãi ghi lại những hình ảnh chói ngời của những "đội quân tóc dài”.

      Bức ảnh chụp “O du kích nhỏ” NguyễnThị Kim Lai áp giải một phi công Mỹ bị bắt vào năm 1965. Hình ảnh một nữ dân quân nhỏ bé áp giải viên phi công cao lớn đã trở thành biểu tượng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giữa một dân tộc nhỏ bé với kẻ thù lớn hơn gấp nhiều lần.

      Đất nước ta hiện nay đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong bối cảnh đó, người phụ nữ Việt Nam vừa tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống đạo đức quý báu, tốt đẹp mà các thế hệ trước để lại, mặt khác không ngừng hình thành, phát triển những phẩm chất tiên tiến phù hợp với các yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từng bước góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

      Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia các cấp lãnh đạo, quản lý ngày càng nhiều. Điều đó đã khẳng định vị thế, trình độ của phụ nữ Việt Nam ngày càng được nâng cao. Trong ảnh: PGS.TS, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong một hoạt động vì quyền phát triển của trẻ em Việt Nam.

      Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lực lượng phụ nữ chiếm tỷ lệ khá lớn. Sự tham gia giảng dạy, truyền thụ kiến thức của các cô giáo đã góp phần phát triển nền giáo dục Việt Nam.

      Ngày 24/12/2012, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã tổ chức lễ công bố và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư cho 42 Giáo sư và 427 Phó Giáo sư, trong đó có Tiến sĩ Toán học Lê Thị Phương Ngọc ở trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (Khánh Hòa) được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư. Đây là người đầu tiên của Nhà trường vinh dự được nhận chức danh cao quý này.

      Với cô Lê Thị Phương Ngọc, để đạt được chức danh cao quý này ở môi trường cao đẳng là một chặng đường dài phấn đấu không mệt mỏi, phải có lòng yêu nghề và làm việc thật sự nghiêm túc và khoa học.

       PGS.TS. Lê Thị Phương Ngọc là một trong những tấm gương lao động miệt mài, sáng tạo, được đồng nghiệp yêu quý, sinh viên kính trọng. PGS.TS Lê Thị Phương Ngọc đã tạo niềm tin cho cán bộ, giảng viên Nhà trường tiếp tục phấn đấu để phát huy năng lực nhằm tiếp tục đóng góp công sức cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.

       Hòa cùng phong trào phụ nữ toàn quốc nói chung, phụ nữ trong ngành Giáo dục huyện Diên Khánh nói riêng đã đạt được nhiều thành tích đáng kể.  Về phía Công đoàn giáo dục đã phối hợp cùng phòng Giáo Dục triển khai cụ thể các cuộc vận động trong ngành như cuộc vận động “Hai không với bốn nội dung”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Xây dựng cơ quan văn hóa”, “Phấn đấu trở thành giáo viên giỏi các cấp”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...

       Kết quả trong năm học 2012 - 2013 có gần 450 giáo viên - ĐVCĐ được công nhận là giáo viên giỏi cấp trường; 45 giáo viên - ĐVCĐ được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. 

        Cuối năm học 2012 - 2013 có  931 chị em được cấp trên ghi nhận phụ nữ hai giỏi. Hơn 40 chị em có đề tài nghiên cứu khoa học được UBND huyện công nhận, hơn 25 chị được công nhận chiến sĩ thi đua.  Nhiều chị em được đề bạt làm cán bộ quản lý ở các trường và có 12 chị vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, trên 20 chị được ngành tạo điều kiện đi học các lớp quản lý, trung cấp chính trị, trên 150 chị được ngành đồng thuận cho đi học các lớp đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

       Riêng trường THCS Trần Quang Khải đã đạt những thành tích cao được phòng Giáo dục huyện Diên Khánh và Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khen trong năm học qua là nhờ sự quan tâm tận tình của Ban giám hiệu nhà trường, Ban chấp hành Công đoàn nên các công đoàn viên luôn có ý thức trách nhiệm cao, năng nổ, nhiệt tình giảng dạy và tham gia tốt các hoạt động nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau. Công đoàn trường còn tổ chức các hoạt động vui chơi vào các ngày lễ lớn 8/3, 20/11…..

       Trong các cuộc thi các chị em luôn có sự sáng tạo với bàn tay khéo léo của mình để cho ra những sản phẩm lạ mắt, hấp dẫn và rất sắc sảo như trong cuộc thi cắm hoa, thi nấu ăn …..

       Và là những người đi trước trong công việc “ Trồng người” nên các công đoàn viên  luôn truyền thụ hết những kinh nghiệm có được của mình cho các em sinh viên khi mới chập chững bước vào nghề. Không những trong công việc giảng dạy mà cả trong sinh hoạt đời thường. Đây chính là kết quả của đợt thi đua khéo tay của công đoàn viên nữ nhà trường với các em nữ giáo sinh trong đợt thực tập sư phạm năm học 2012 – 2013.

      Phụ nữ Việt Nam ngày nay không ngừng phấn đấu lao động và học tập, ra sức thi đua sản xuất và cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội theo khẩu hiệu của Đảng đề ra là "Giỏi việc nước, đảm việc nhà, thực hiện nam nữ bình đẳng” Và        Phụ nữ Việt Nam không ngừng vươn lên, xứng đáng với lời khen của Bác Hồ kính yêu:

       "Từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam thật là anh hùng”.

 
 Lượt truy cập
  
 Kết quả học tập
  
 Trường học mới VNEN
  
 Hỗ trợ cá nhân đơn vị
  
 Hình ảnh
  
Địa chỉ: xã Diên Điền - huyện Diên Khánh - Khánh Hòa
Điện thoại: (058) 3.772.523 Email: c2tqkhai.dk@khanhhoa.edu.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thị Trường
Thiết kế bởi CenIT