Vâng kính thưa hội nghị!
- Như chúng ta đã biết tại Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành TW Đảng khóa XI đã ban hành nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa và hội nhập quốc tế.
- Để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội thì ngành giáo dục không ngừng được đổi mới và lần đổi mới này đã tìm ra một mô hình trường học mới tại Việt Nam – gọi tắt là VNEN. Theo tôi nghĩ đây là bước tiến quan trọng trong cải cách giáo dục mà dự án đã mang lại. Vì đó là kiểu mô hình nhà trường hiện đại, tiên tiến và phù hợp với mục tiêu đổi mới và đặc điểm giáo dục Việt Nam. Chính mô hình VNEN đã mang lại cơ hội to lớn để từng học sinh tự nhận ra khả năng của chính mình. Và hơn nữa mô hình này đã được xây dựng theo một chương trình hoàn chỉnh dựa trên triết lí: “ Mỗi đứa trẻ đều có thể học và phải học, mọi đứa trẻ đều đặc biệt và loài người chúng ta được sinh ra để học hỏi, để làm cho mọi thứ có ý nghĩa”
Bản thân tôi được nhà trường cử đi tập huấn và trực tiếp giảng dạy theo mô hình trường học mới hơn 1 tháng qua, tôi thấy một số vấn đề cần chia sẻ cùng quý vị và các thầy cô đồng nghiệp như sau:
1/ Mô hình dạy học:
- Mô hình dạy học của VNEN chuyển cơ bản từ hoạt động dạy của giáo viên sang hoạt động của học sinh. Tức là chuyển từ phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp dạy học tích cực của học sinh. Với mô hình này thì lớp học được chia theo nhóm, gồm có : CTHĐTQ và các PCTHĐTQ và các ban bệ phù hợp với nhu cầu từng lớp và chính các em là người bầu ra dưới sự hướng dẫn của giáo viên nhằm mục đích phục vụ tốt cho công việc học tập.
- Và bên cạnh đó lớp học của các em được trang bị và trang trí rất cẩn thận như gồm có: góc học tập, góc thư viện, góc cộng đồng, hộp thư bạn bè, bảng nội quy lớp …
2/ Mô hình trường học mới – VNEN dựa trên các nguyên tắc sau:
- Học sinh là trung tâm của quá trình dạy học.
- Học sinh tự học theo từng bước, được giao quyền tự quản trong quá trình tổ chức hoạt động học, tăng cường sự hợp tác, tôn trọng và việc theo nhóm.
- Học sinh tự tìm tòi, suy nghĩ và chủ động nắm bắt kiến thức mới và vận dụng chúng vào cuộc sống.
- Giáo viên chỉ có vai trò là người hướng dẫn và hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập mà thôi.
- Nhà trường thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh và cộng đồng, trong đó các thành viên của gia đình tham gia vào quá trình giáo dục theo các dự án cộng đồng như là 1 trụ cột chính của chương trình.
3/ Cấu trúc của bài học thiết kế theo mô hình VNEN bao gồm các bước:
- Mục tiêu bài học.
- Các hoạt động ( trong các hoạt động thì gồm có 5 hoạt động sau:)
+ Hoạt động khởi động.
+ Hoạt động hình thành kiến thức mới.
+ Hoạt động thực hành.
+ Hoạt động ứng dụng.
+ Hoạt động bổ sung.
* Một điểm khác biệt của mô hình VNEN so với mô hình hiện hành là việc tổ chức kiểm tra, đánh giá:
- Ở đây kiểm tra, đánh giá theo quá trình học của học sinh thông qua các hoạt động học do giáo viên tổ chức.
- Đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh.
- Và học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau – đánh giá có sự tham gia của cha mẹ học sinh và cộng đồng.
Kính thưa quý vị, thưa hội nghị!
Khi được tập huấn và trực tiếp giảng dạy theo mô hình trường học mới VNEN bản thân tôi nhận thấy được 1 số thuận lợi cũng như khó khăn của mô hình này như sau:
1/ Thuận lợi:
- Tài liệu hướng học được xây dựng dưới dạng 3 trong 1 ( nghĩa là dung chung cho Học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh).
- So với quy định hiện hành thì số lượng các môn học theo mô hình VNEN giảm đi, có các môn được tích hợp lại thành nội dung hoạt động giáo dục như:
+ Môn Toán: HDH môn Toán.
+ Môn Ngữ văn: HDH môn Ngữ văn.
+ Môn KHTN : gồm môn Lý, Hóa, Sinh.
+ Môn KHXH: gồm môn Sử, Địa.
+ Môn Công dân : HDH môn GD công dân.
+ Môn HDH Công nghệ và Tin học ứng dụng.
+ Hướng dẫn các hoạt động giáo dục: gồm môn Âm nhạc, Mĩ thuật và Thể dục.
- Tài liệu có kênh hình, kênh chữ rõ ràng và các lô gô chỉ dẫn, các câu lệnh thì ngắn gọn, dễ hiểu và thống nhất nhằm giúp học sinh tự đọc, tự học thuận tiện và làm đúng theo mục tiêu bài học.
- Học tập theo mô hình VNEN giúp học sinh phát huy tính tự học, sáng tạo, tính tự giác, tự quản, sự tự tin, hứng thú trong học tập. Với phương pháp dạy học mới còn giúp cho các em phát huy tốt các kỹ năng: như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tự đánh giá lẫn nhau trong giờ học, ngoài ra giúp các em hiểu biết nhiều hơn, có trách nhiệm và biết phấn đấu làm chủ quá trình học tập của mình.
- Còn đối với giáo viên thì giúp cho thầy cô có nghiệp vụ sư phạm được nâng cao hơn và có kỹ năng điều hành các hoạt động dạy học.
- Đối với cha mẹ học sinh và cộng đồng thì có liên quan trực tiếp, có trách nhiệm tham gia với nhiều hoạt động và hỗ trợ nhà trường nhiều hơn. Đồng thời cha mẹ học sinh còn được tiếp nhận, bổ sung tri thức từ nhà trường thông qua học sinh.
2/ Khó khăn:
Bên cạnh những thuận lợi mà chương trình đã mang lại thì cũng còn rất nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ như:
- Vì đây là chương trình thử nghiệm nên còn thiếu tài liệu cho học sinh học ( như sách hoạt động giáo dục) và vẫn còn 1 số chỗ chưa hợp lý.
- Học sinh thuộc vùng địa bàn là nông thôn nên khả năng giao tiếp vẫn còn hạn chế.
- Việc trang trí lớp học, đồ dùng học tập theo mô hình này cũng đòi hỏi nhà trường phải đầu tư kinh phí nhiều hơn so với các lớp học bình thường.
- Việc chuyển đổi từ phương pháp truyền thống sang phương pháp học tập tích cực 1 cách đột ngột, nên không khỏi gây cho giáo viên, học sinh và phụ huynh tâm lý hoang mang, sợ học sinh không tiếp thu được kiến thức bài học, nhất là đối tượng học sinh trung bình, yếu.
- Việc học theo nhóm nên đó là điều kiện tạo cho 1 bộ phận nhỏ học sinh có cơ hội nói chuyện riêng và còn ỷ lại vào những bạn khá, giỏi.
Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng đi vào học tập và giảng dạy thì bản thân tôi là GVCN lớp mong muốn gửi đến toàn bộ GVBM một lời ngỏ nhỏ là: đây là chương trình học với mô hình mới, mà các em là học sinh lớp 6 – lớp đầu cấp nên rất bỡ ngỡ và đang từng bước cố gắng hết sức để học tập thật tốt vì vậy kính mong quý thầy cô giáo tạo điều kiện giúp đỡ, chỉ dẫn và dìu dắt các em nhiều hơn nữa nhằm mục đích cuối cùng của chúng ta là nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường.
Trên đây là 1 số băn khoăn, suy nghĩ của riêng cá nhân tôi khi tiếp cận với chương trình dạy học mới, cái mới ra đời thì tất nhiên sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức, rất mong quý thầy cô giáo, ban lãnh đạo nhà trường, các bậc phụ huynh và toàn bộ các cấp, các ngành cùng nhau chung tay và quyết tâm thực hiện thành công dự án để góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong tình hình mới.
Cuối cùng xin chúc quý vị đại biểu sức khỏe, chúc hội nghị thành công tốt đẹp! Xin cảm ơn!
Người viết
Nguyễn Ngọc Đông Nghi