Đăng Nhập
  
  
  

 Thông báo
  
 Liên hệ web
  
 Clip
|<<    <   
[1]2345
   >    >>|
  
  
  
PHƯƠNG PHÁP HỌC TỐT. Năm học : 2013 -2014

       Kì thi HK I đã sắp đến rồi, các bạn chắc đang cố gắng học bài để chuẩn bị cho kì thi đạt kết quả tốt. Nhưng để học tốt, đạt kết quả cao trong học tập thì chúng ta cần phải có một phương pháp học tập hiệu quả.

Trong buổi sinh hoạt chào cờ toàn trường ngày hôm nay,em rất vinh dự được đại diện “Câu lạc bộ học tốt”của Liên đội gửi đến các  bạn một số phương pháp học tập tích cực. Khi nắm được phương pháp học tập tích cực, các bạn không những tiếp thu kiến thức môn học dễ dàng mà còn biết cách trình bày bài thi của mình một cách khoa học và hiệu quả.
Các bạn học sinh thân mến! Theo như mình nghĩ, điều quan trọng đầu tiên để học tốt chính là, chúng ta cần có thái độ, động cơ học tập rõ ràng:
- Đây là yếu tố quan trọng nhất tác động đến quá trình học tập của mỗi học sinh chúng ta. Bạn sẽ không thể nào có được kết quả học tập tốt nhất nếu như không có được một thái độ học tập đúng đắn. Đa số các nhà tâm lý giáo dục học cho rằng: thái độ học tập, trong đó động cơ là yếu tố quyết định. Người học nên tự xác định cho mình động cơ đúng đắn bằng cách tự trả lời các câu hỏi: “Học để làm gì? Học cho ai? Học như thế nào?”...
- Sau khi xác định đúng động cơ và thái độ học tập đúng đắn, tích cực; chúng ta cần xác định phương pháp học tập sao cho hiệu quả và khoa học. Với mỗi học sinh, việc ghi nhớ kiến thức của bài học như: các định nghĩa, công thức, định luật, định lý hay những sự kiện, mốc thời gian lịch sử; tiểu sử của một nhà văn, nhà thơ… thường rất khó khăn và tốn nhiều thời gian. Riêng mình, mình đã chọn cho mình 1 phương pháp giúp mình ghi nhớ kiến thức thật nhanh và thật lâu mà mình sẽ chia sẻ với các bạn sau đây. Chúng ta có thể thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Khi học bài cũ: mình lấy vở ghi bài ra nhìn vào vở và trình bày kiến thức dưới dạng dàn bài. Cụ thể như sau: Trước tiên, bạn đọc lại toàn bài học từ 2 đến 3 lần. Sau đó, bạn tóm tắt nội dung bài học đó thành 1 dàn ý gồm những mục chính nào. Có thể đặt các đề mục để dễ dàng ghi nhớ như: I, II, hoặc →, 2…tương ứng với mỗi mục là một nội dung.
Bước 2 : Sau khi đã có dàn ý sơ lược các đơn vị kiến thức chính của bài học, mình đọc nhầm nội dung ghi của từng phần. Đây là cách ghi nhớ kiến thức bài học bằng cách đọc nhẩm các ý trong dàn bài mới xác lập. Trong quá trình thực hiện, chỗ nào quên bạn dừng lại, lật dàn bài ra xem, gạch chân và đọc nhẩm lại. Lần lượt như vậy cho đến hết.
Bước 3: Bên cạnh đọc nhẩm, ta có thể kết hợp với biện pháp ghi những kiến thức đó ra giấy những kiến thức chính, từ ngữ quan trọng . Cách này hiệu quả hơn cả, nhất là với những môn tự nhiên. Khi ghi, bạn chỉ tóm tắt phần quan trọng, lược bỏ những phần rườm rà, không cần thiết.
Bước 4: Củng cố bài học. Việc củng cố bài học tưởng chừng không cần thiết nhưng nó lại rất quan trọng đối với người học. Ta có thể củng cố bằng nhiều cách như tự đặt ra những câu hỏi trên cơ sở nội dụng bài học để tự trả lời. Ngoài ra, ta có thể làm thêm một số bài tập với mức độ từ dễ đến khó để củng cố kiến thức lẫn thao tác khi làm bài tập, kết hợp với việc liên hệ so sánh kiến thức bài mới được học với những bài đã học để có cái nhìn tổng quan nhất, tránh nhầm lẫn và thiếu sót khi thực hành.
Chỉ qua các bước đơn giản như trên, bạn sẽ nắm được nội dung bào học gồm những nội dung gì chính, khi cần hỏi về kiến thức nào chúng ta cũng sẽ dễ dàng xác định kiến thức ấy nằm ở phần nào trong bài học.
* Một phương pháp nữa mà mình muốn chia sẻ với các bạn là dùng bản đồ tư duy:
        Vẽ bản đồ tư duy cũng là một phương pháp học được dùng khá phổ biến hiện nay, hiệu quả của cách học này là rất cao, nhất là với các môn khoa học xã hội. Với phương pháp này, người học dựa vào khả năng tư duy, tưởng tượng, sáng tạo của mình nhằm xác lập mối quan hệ cũng như tương quan của các đơn vị kiến thức của bài học để thể hiện các mối quan hệ như nhóm, đối tượng; liên hệ ý nghĩa, tác dụng, đặc điểm, ứng dụng,… Trong quá trình này, ta phải chú ý mối quan hệ giữa các kiến thức với nhau để tránh chồng chéo và nhầm lẫn.
Những kinh nghiệm và phương pháp học trên có thể áp dụng chúng cho tất cả các bộ môn.
Tuy nhiên, tùy vào từng yêu cầu, mức độ khó dễ của từng môn học thì các bạn cũng cần có sự chuyên tâm đi tìm nhiều phương pháp học tập cụ thể hơn nữa.
 Trên đây  là những chia sẻ của các bạn trong câu lạc bộ vui học của Liên đội về các phương pháp học tốt.  Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của thầy cô và các bạn hs.Rất mong sự đóng góp ý kiến của các bạn.
                                                                                                       Đặng Thị Lan Anh- Học sinh lớp 9/2

                                                                                                        

PHƯƠNG PHÁP HỌC TỐT MÔN TOÁN

        Đối với học sinh chúng ta, việc học thật giỏi có lẽ đã trở thành mục tiêu cấp bách cần đạt được. Nhưng phải học thế nào cho giỏi quả là khó khăn, nhất là đối với môn toán. Toán luôn là môn học đòi hỏi tính tư duy cao, có thể nói, toán là một môn học khó “nhằn” nhất đối với các bạn học sinh. Mình có biết một số cách học tốt môn toán muốn chia sẻ cho những ai cùng sở thích với mình – ham học toán.
    Sau nhiều năm học, mình rút ra một kinh nghiệm quan trọng, để học tốt môn Toán thì cần có các yêu tố như sau:
 Điều thứ nhất: Để học tốt môn toán, hay bất kì môn khác, điều đầu tiên cần phải có chính là niềm say mê. Các bạn không thể học tốt môn gì hay là tốt bất cứ thứ    gì nếu không có niềm say mê, thích thú với nó. Toán cũng vậy, bạn thích thú với cảm giác chiến thắng khi tìm ra lời giải đáp cho một bài toán, bạn  say mê với cảm giác khi bị thách thức trước một bài toán khó, bạn thích thú với “phong cách đa dạng” của việc giải toán, mong muốn tìm ra hết  mọi cách giải, tìm hiểu sự “phong phú” ấy, bạn say mê với những con số, các công thức toán học… Với niềm say mê, thích thú ấy, bạn có thể vượt qua những “rào cản“, khó khăn để học tốt hơn… và đó chính là yếu tố đầu tiên bạn cần phải có.
Thứ hai: Cái gì cũng có sự bắt đầu, ban đầu là dễ dần dần khó lên. Để làm một việc gì đó, ta phải đi từ cơ bản lên nâng cao, từ dễ lên khó. Học toán cũng vậy. Nếu muốn học toán tốt, giải được những bài toán khó thì trước hết bạn phải nắm thật chắc cơ bản đã.  Nói chung, để học tốt môn toán, điều thứ hai bạn cần có đó chính là kiến thức cơ bản. Đừng chủ quan, coi thường chúng, cơ bản, đơn giản nhưng chính là trọng tâm.
Yếu tố thứ ba: quan trọng không thể thiếu chính là sự tiếp thu. Đọc sách chưa đủ, “học thuộc công thức hàng giờ, vẫn chưa đủ. Hãy tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài. Lúc giảng bài, lúc nào thầy cô cũng có thể xen vào những công thức mới không có trong sách giáo khoa, những cách nhớ công thức một cách lôgic và hiệu quả. Khi gặp một định lí nào đó, thầy cô có thể giúp ta chứng minh để rồi “khắc sâu” vào trong trí óc của chúng ta. Lắng nghe một cách kĩ càng, tiếp thu một cách rõ nét cũng khiến bạn học tốt. Chắc chắn ai cũng biết rằng: Học phải luôn đi đôi với hành. Học ở đây là học tập, là tiếp thu kiến thức. Hành ở đây là thực hành, là áp dụng kiến thức đã tiếp thu. Toán cũng thế, khi đã học xong lí thuyết, điều bạn cần bắt tay thực hiện ngay đó chính là”thực hành”, áp dụng những kiến thức đã được tiếp thu. Và điều cuối cùng mà tôi nghĩ cũng rất cần thiết là ôn tập, bạn phải thường xuyên ôn tập những kiến thức cũ, ít dùng tới. Có thể sau một thời gian dài không sử dụng. Những kiến thức ấy sẽ dần dần “chìm vào dĩ vãng” trong bộ óc của bạn. Ngoài ra, bạn cũng phải làm thêm các bài tập ngoài sách giáo khoa. Ngoài những cuốn sách nâng cao ra, bạn cũng có thể kiếm thêm những bài tập khác ở các trang web như: diendan.hocmai.vn,dethi.violet.vn, diendantoanhoc.net, hocmai.vn.Cũng có một số sách hay như: Bộ sách toán nâng cao, 100 câu hỏi trắc nghiệm toan, đố vui toán học…Đó chính là những chia sẻ của chính bản thân tôi. Chúc các bạn sẽ thành công với các phương pháp học của chính mình. Xin cảm ơn.


                                                                                               Nguyễn Dương Nhật Hoàng – Học sinh lớp 9/3.

                                                                                                           

 

PHƯƠNG PHÁP HỌC TỐT MÔN NGỮ VĂN

 Kính thưa quý thầy cô và các bạn học sinh thân mến! Hôm nay em rất vinh dự được chia sẻ một số kinh nghiệm về phương pháp học tốt môn Ngữ văn.
         Muốn học tốt môn Văn trước hết:
    1/ Tìm hiểu và soạn bài trước ở nhà:
- Đọc, tìm hiểu bài mới để năm bắt nội dung chính.
- Đánh dấu phần khó hiểu để lên lớp nghe thầy cô giảng bài một cách tập trung hơn.
- Trả lời những câu hỏi, bài tập theo cách hiểu của mình.
2/ Học trên lớp:
- Đặc biệt tập trung chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài.
-    Ghi nhớ, nắm bắt nội dung chính của bài học để vận dụng khi làm bài.
- Đánh dấu các phần quan trọng để có thể xem lại và tìm hiểu thêm.
- Sẵn sàng trình bày thắc mắc của mình để được thầy cô giải đáp.
3/ Một điều quan trọng đẻ học tốt môn Văn là phải học bài cũ:
- Không nên học theo đúng từng câu chữ như con vẹt mà cần nắm chắc nội dung, triển khai từng ý chính, ý phụ đồng thời phải tìm đọc thêm những kiến thức liên quan đến bài học để nâng cao trình độ.
* Vì môn Ngữ văn có đến 3 phân môn là Đọc – hiểu văn bản, Tiếng Việt và Tập làm văn nên tất nhiên sẽ có những phương pháp học tập khác nhau trong từng phân môn:
a.Phần TiếngViệt:
- Nên thực hành thật nhiều bài tập từ đơn giản đến phức tạp để củng cố kiến thức.
- Nắm chắc các khái niệm và luyện tập thường xuyên để ghi nhớ lâu.
b. Phần đọc- hiểu văn bản:
-  Điều quan trọng đầu tiên là phải đọc tác phẩm nhiều lần, nhận diện thể loại, chia bố cục tác phẩm sao cho hợp lí.
- Nắm đôi nét về tác giả, tác phẩm, nội dung, nghệ thuật cơ bản để làm bài tập và vận dụng khi viết bài Tập làm văn.
c. Phần Tập làm văn:
- Khi phải viết bất kì 1 đề tập làm văn nào, điều quan trọng đầu tiên là phải đọc kỹ đề nhiều lần để nhận diện dạng đề và nội dung mà đề yêu cầu.
- Sau đó hình thành trong đầu những ý cơ bản và viết chúng tôi lên giấy nháp để tránh thiếu sót khi làm bài.
- Tập trung vào trọng tâm vấn đề để tránh viết lạc đề.
- Huy động vốn kiến thức đã học ở nhiều khía cạnh và vận dụng một cách sáng tạo vaod bài tập làm văn.
- Sau khi viết phải đọc, kiểm tra lại bài để phát hiện và sửa các lỗi kịp thời.
- Biết rút kinh nghiệm từ những bài viết trước đó để cải thiện nâng cao kết quả trong bài tiếp theo.
     Trên đây là một số kinh nghiệm mà mình muốn chia sẻ cùng các bạn. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đề ra kế hoạch học tập khoa học, tập xây dựng bài thành bản đồ tư duy tìm các sách báo bổ ích để đọc nhằm trao dồi vốn từ, mở rộng vốn kiến thức và nâng cao trình độ.

                                                                                     Nguyễn Thị Thiên Hương- Học sinh lớp 9/4.

                                                                                                 
                                                                                            

           

                                                                                                       

 

 

 


 

 
 Lượt truy cập
  
 Kết quả học tập
  
 Trường học mới VNEN
  
 Hỗ trợ cá nhân đơn vị
  
 Hình ảnh
  
Địa chỉ: xã Diên Điền - huyện Diên Khánh - Khánh Hòa
Điện thoại: (058) 3.772.523 Email: c2tqkhai.dk@khanhhoa.edu.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thị Trường
Thiết kế bởi CenIT