Đăng Nhập
  
  
  

 Thông báo
  
 Liên hệ web
  
 Clip
|<<    <   
[1]2345
   >    >>|
  
  
  
BÀN VỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP

       Nghề nghiệp phục vụ con người và nghề nào cũng cần đến đạo đức nghề nghiệp. Đối với những nghề nghiệp tác động trực tiếp tâm hồn và thể xác con người lại đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp ở những chuẩn mực khắt khe và nghiêm túc hơn.

Đạo đức của thầy cô giáo, theo tôi nghĩ, trước hết đó là tình thương. Khẩu hiệu
“ Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm” tự nó đã hàm chứa đạo đức nghề nghiệp, người thầy phải lấy tình thương học trò làm điểm bắt đầu của nghề nghiệp. Người thầy yêu thương học trò đến chân thành cảm động thì hình phạt răn đe mới có hiệu lực tự giác.
Điều thứ hai trong quan niệm đạo đức nghề nghiệp, theo tôi là lương tâm. Người đời nhắc nhở thầy thuốc phải lương y, thầy giáo phải lương sư. Đó là đạo dức có từ xưa và rất cần cho sự nghiệp trồng người hôm nay. Lương tâm của người thầy giáo không chỉ là tấm lòng tốt, mà còn là ý thức tự giác, tự kiểm tra đánh giá điều chỉnh hành vi đạo đức của mình phù hợp với chuẩn mực nghề nghiệp. Người thầy giáo thiếu lương tâm sẽ đi liền với thiếu trách nhiệm.
Điều thứ ba trong đạo đức nghề nghiệp chính là trách nhiệm. Trong thời đại công nghiệp hóa, bộ máy giáo dục vận hành từ vi mô đến vĩ mô muốn đồng bộ, thống nhất, có năng suất và hiệu quả thì mỗi thành viên giáo dục phải ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình. Hành động của người thầy, người cán bộ quản lý phải dựa trên cơ sở phân công hóa, trách nhiệm hóa mới thu hiệu quả chất lượng. Trách nhiệm là ý thức công dân của mỗi người, xét cho cùng nó cũng là đạo đức nghề nghiệp.
Điều thứ tư trong quan niệm đạo đức nghề nghiệp là năng lực. Lênin thường cảnh tỉnh “ ngu dốt cộng với nhiệt tình là sự  phá hoại”. Bác Hồ chăm lo xây dựng đạo đức cán bộ, bao giờ Bác cũng nhắc đến hai vế “ vừa hồng vừa chuyên”. Từ đó suy ra đạo đức nghề nghiệp của người thầy giáo phải luôn coi trọng năng lực toàn diện. Đó là yêu cầu cũng là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức thầy giáo.
Điều cuối cùng trong quan niệm đạo đức nghề nghiệp của tôi : Đạo đức là tấm gương. Một nhà giáo dục đã kết thúc “ lời nói dạy bảo, tấm gương lôi cuốn”. Mười hai năm rời ghế nhà trường, ngoài cha mẹ, gia đình tiếp xúc hàng ngày, chính thầy cô hình ảnh tác động đến nhân cách học sinh và các em chịu ảnh hưởng trực tiếp sâu đậm nhất, có khi hình ảnh ấn tượng theo mãi suốt đời học sinh. Người thầy hiện diện trên đường đời dạy học, không phải là con người hoàn thiện, hoàn hảo mà phải xem mình là dòng chảy và tích tụ phù sa.
Kể từ khi xã hội vận hành theo cơ chế thị trường, đạo đức con người nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận những hiện tượng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận thầy và trò, của nhà quản lý giáo dục đã đăng trên báo đài.
Hành trình dạy học của những ông đồ ngày xưa, dài đến thế mà chưa có một câu thơ hay một chuyện cười nào chế giễu, mỉa mai đạo đức. Có chăng chỉ có một chuyện cười chế giễu ông đồ dốt. Phải chăng chúng ta nên đi từ tấm gương ông đồ để xây dựng đạo đức nghề nghiệp hôm nay.

                                                                                                             LÊ NGỌC THÀNH 
                                                       ( Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Thủy – Huyện Lệ Thủy – Quảng Bình ) 
                                                                                           Trích từ báo GD&TĐ ngày 20.12.2013


 
 Lượt truy cập
  
 Kết quả học tập
  
 Trường học mới VNEN
  
 Hỗ trợ cá nhân đơn vị
  
 Hình ảnh
  
Địa chỉ: xã Diên Điền - huyện Diên Khánh - Khánh Hòa
Điện thoại: (058) 3.772.523 Email: c2tqkhai.dk@khanhhoa.edu.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thị Trường
Thiết kế bởi CenIT